Với bề dày lịch sử và văn hóa, từ lâu nước ta đã có nhiều thế mạnh, tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh. Đặc biệt là các khu tưởng niệm, gắn liền với những truyền thống và lối sống tại địa phương. Trong đó phải kể đến khu di tích Bạch Đằng Giang, Nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật và công trình tiêu biểu, tái hiện những chiến công lừng lẫy trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, nhắc nhở các thế hệ sau ghi nhớ và tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc.
Vậy hành trình đến với Bạch Đằng Giang có gì thú vị? Những hoạt động nào phổ biến nhất khi tham quan nơi đây? Dưới đây chúng tôi sẽ tổng hợp toàn bộ những “kinh nghiệm du lịch Bạch Đằng Giang review trọn bộ”, hãy cùng khám phá ngay thôi nào!
Giới thiệu về khu du lịch Bạch Đằng Giang
Khu di tích Bạch Đằng Giang tọa lạc tại thị trấn Đức Minh, Huyện Thủy Nguyên, thuộc thành phố Hải Phòng. Quần thể di tích là nơi hội tụ những dấu ấn văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng của dân tộc, gắn liền với ba trận thuỷ chiến trên dòng sông Bạch Đằng. Năm 938, Đức Ngô Quyền với trận địa cọc gỗ trên sông Bạch Đằng đã làm nên chiến thắng vang dội, đập tan quân Nam Hán, khép lại hơn một nghìn năm Bắc thuộc và mở ra kỷ nguyên độc lập của dân tộc. Năm 981, dưới sự lãnh đạo tài tình của vua Lê Hoàn, quân dân Đại Cồ Việt đã đánh bại cuộc xâm lược của nhà Tống. Năm 1288, Trần Hưng Đạo chỉ huy trận thủy chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng, tiêu diệt đội quân Nguyên – Mông hùng mạnh. Vào ngày 2/1/2021, khu di tích Bạch Đằng Giang vinh dự được công nhận là di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, ghi dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình bảo tồn và tôn vinh giá trị.
Hướng dẫn di chuyển đến Bạch Đằng Giang bằng cách nào?
Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội chưa đầy 130km, tương ứng với thời gian di chuyển hơn 2 tiếng đồng hồ. Để đến khu di tích, du khách có thể lựa chọn bằng nhiều hình thức phổ biến khác nhau như xe máy, ô tô hoặc xe khách,… tùy thuộc vào nhu cầu, sở thích và mục đích của từng đoàn khách mà du khách tham khảo một số thông tin hữu ích chúng tôi chia sẻ ngay trên bài viết dưới đây:
+ Di chuyển bằng ô tô: Xuất phát từ Hà Nội, du khách di chuyển trên cao tốc 5B và rời khỏi cao tốc tại nút giao Quốc lộ 10. Tiếp tục hành trình theo hướng ngã tư Quán Toan, đi qua thị trấn Núi Đèo và di chuyển về phía nhà máy xi măng Chinfon. Từ đây, du khách chỉ cần đi thêm một đoạn ngắn nữa sẽ nhìn thấy biển chỉ dẫn đến khu di tích Bạch Đằng Giang.
+ Di chuyển bằng xe máy: Do xe máy không được phép lưu thông trên cao tốc, du khách sẽ đi theo Quốc lộ 5 cũ. Lộ trình cụ thể là từ Hà Nội qua Gia Lâm, Phố Nối (Hưng Yên), Hải Dương, và đến Quán Toan (Hải Phòng). Tại đây, rẽ trái vào Quốc lộ 10 và tiếp tục theo sự hướng dẫn tương tự như dành cho ô tô.
+ Di chuyển bằng xe khách: Đây là phương tiện di chuyển tiết kiệm và phổ biến, được rất nhiều du khách yêu thích lựa chọn. Tại Hà Nội, du khách có thể đón xe tại các bến Gia Lâm, Giáp Bát, Yên Nghĩa hoặc Nước Ngầm để đi Hải Phòng, với giá vé khoảng 70.000 – 80.000 VNĐ/lượt. Khi đến Ngã Ba Xi Măng gần chân cầu Bính, du khách có thể bắt tiếp xe buýt hoặc xe khách tuyến Lạc Long – Móng Cái để đến khu vực Thủy Nguyên, khu di tích Bạch Đằng Giang.
Các địa điểm tham quan nổi tiếng tại Bạch Đằng Giang
Để tưởng nhớ công lao to lớn của các vị anh hùng dân tộc đã lập lên những chiến thắng vang dội trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, nhân dân cả nước cùng với nhiều nhà hảo tâm đã chung tay góp sức, gọi vốn để xây dựng khu di tích Bạch Đằng Giang trong đó có các khu sau:
+ Nhà trưng bày Bạch Đằng Giang: Tại trung tâm của khu di tích, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập quý giá bao gồm tài liệu, hiện vật và hình ảnh tái hiện các chiến thắng vang dội trên dòng sông Bạch Đằng trong lịch sử dân tộc. Đây là nơi lưu giữ những ký ức hào hùng và tự hào của dân tộc Việt Nam. Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, những dấu tích của các trận chiến tranh vẫn còn hiện hữu vang dội qua các công trình hạng mục tiêu biểu, với quy mô khang trang và bề thế.
+ Đền Tràng Kênh Vọng Đến – nơi tôn vinh vua Lê Đại Hành: Ngôi đền linh thiêng được xây dựng để tưởng nhớ Lê Đại Hành hoàng đế, người chỉ huy chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng lần thứ hai vào năm 981. Ông không chỉ đánh bại quân Tống, bình định phương Nam mà còn góp phần quan trọng xây dựng Đại Cồ Việt thịnh vượng.
+ Đền Bạch Đằng Giang: Đây là nơi thờ phụng Đức Ngô Quyền Vương, vị anh hùng dân tộc đã tạo nên trận địa cọc Bạch Đằng huyền thoại. Chiến thắng quân Nam Hán năm 938 của Ngô Quyền không chỉ chấm dứt hơn một thiên niên kỷ Bắc thuộc mà còn khởi đầu kỷ nguyên độc lập rực rỡ của dân tộc Đại Việt.
+ Trúc Lâm Thiền Tự Tràng Kênh: Qua cổng khu di tích và đền Tràng Kênh Vọng Đế, du khách sẽ bước vào hành trình đến Trúc Lâm Thiền Tự Tràng Kênh. Ngôi chùa được xây dựng theo kiến trúc Chùa Đồng trên non thiêng Yên Tử, thờ Phật Tổ Như Lai cùng các vị Đạt Ma, Bồ Tát và Phật Hoàng Trần Nhân Tông – người lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh bại quân Nguyên Mông trong hai cuộc kháng chiến lịch sử. Không gian nơi đây mang đến cảm giác thanh tịnh và chiêm nghiệm sâu sắc về văn hóa Phật giáo.
+ Vườn Cuội Cổ và Trụ Chiến Thắng: Điểm nhấn đặc biệt của khu di tích là Trụ Chiến Thắng được chế tác từ đá hồng ngọc nguyên khối, cao 5,5 mét, với tiết diện 2,25 mét vuông và nặng gần 100 tấn. Ba mặt trụ được chạm khắc tinh xảo, ghi lại công lao hiển hách và thần tích của ba vị anh hùng dân tộc: Đức Vương Ngô Quyền, Lê Đại Hành Hoàng Đế và Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Các dòng chữ khắc trên trụ theo lối viết cổ, kết thúc ở cung Sinh của Kinh Dịch, tượng trưng cho sự trường tồn vĩnh cửu.
+ Đền thờ Mẫu Tràng Kênh: Được khởi công xây dựng vào ngày 2/8 và khánh thành vào 12 tháng Chạp năm Ất Mùi 2015, đền thờ Mẫu Tràng Kênh là không gian tâm linh thiêng liêng, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Đây là nơi hội tụ tín ngưỡng thờ Mẫu đặc trưng, mang đến cho du khách cảm giác an lành và gắn kết với cội nguồn dân tộc.
+ Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người luôn sống mãi trong lòng mỗi người con đất Việt. Trên khắp đất nước, nhiều đền chùa, đình miếu đã lập bàn thờ để tưởng nhớ và tri ân Người. Tại khu di tích Bạch Đằng Giang, đền thờ Bác Hồ được xây dựng như một công trình đầu tiên tại Hải Phòng, trở thành nơi để nhân dân và du khách thập phương bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn và tình yêu sâu sắc đối với Người.
+ Rừng Lim và Vườn tượng chế tác cọc Bạch Đằng: Điểm nhấn độc đáo trong khu di tích là vườn tượng tái hiện chân thực quá trình chế tác cọc gỗ của cha ông trong trận chiến Bạch Đằng lừng lẫy. Những bức tượng sống động như đưa du khách ngược dòng lịch sử, cảm nhận rõ tinh thần quật cường và trí tuệ của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Không gian rừng lim xanh mát bao quanh tạo nên vẻ đẹp hài hòa, thanh bình, làm nền cho những thước phim ký ức lịch sử.
+ Quảng trường Chiến Thắng: Hoàn thành vào tháng Chạp năm Bính Thân 2016, công trình chào đón xuân mới Đinh Dậu 2017 đã trở thành biểu tượng uy nghi của khu di tích. Quảng trường lát đá granite trải rộng hướng ra sông, nổi bật với ba pho tượng đồng cao 11m của Đức Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành và Đức Thánh Trần – những bậc anh hùng làm rạng danh đất nước. Đặc biệt, mô hình bãi cọc lim bịt sắt với 180 cọc được tái hiện dưới lòng sông, mang đến cảm giác chân thực về trận địa oanh liệt trên dòng sông Bạch Đằng.
Ẩm thực – đặc sản Bạch Đằng Giang
Thành phố hoa phượng đỏ không chỉ thu hút đông đảo du khách bởi hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng, mà nơi đây còn níu chân biết bao du khách về sự đa dạng của các món ăn. Nếu có cơ hội ghé thăm di tích Bạch Đằng Giang, đừng quên bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản chúng tôi bật mí trong bài viết dưới đây:
+ Bánh đa cua: Món ăn trứ danh của Hải Phòng với hương vị đậm đà từ bánh đa đỏ dai mềm, kết hợp cùng bề bề, tôm, thịt cua, chả lá lốt và chả cá. Dù là du khách hay người địa phương, ai cũng khó cưỡng lại sức hấp dẫn của món ăn này, dễ dàng tìm thấy trên khắp các con phố.
+ Nem cua bể: Đặc sản độc đáo làm từ thịt cua tươi của vùng biển Đồ Sơn, Cát Hải hoặc Bạch Long Vĩ, hòa quyện cùng thịt heo, mộc nhĩ, cà rốt và gia vị. Món nem chiên giòn rụm này là trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến Hải Phòng.
+ Chả chìa: Món ăn dân dã có nguồn gốc từ làng nghề truyền thống, chế biến từ thịt lợn, mỡ phần và mực một nắng của Cát Bà, cuốn quanh thanh mía, tạo nên hương vị ngọt thơm, độc đáo.
+ Bánh mì cay: Những chiếc bánh mì que nhỏ nhắn, kẹp pate thơm nức và chấm nước sốt cay đặc trưng, đã trở thành biểu tượng ẩm thực đường phố Hải Phòng. Giá cả cực kỳ hợp lý, chỉ từ 2.000-3.000 đồng/chiếc.
+ Dừa dầm: Món giải khát thanh mát với nước cốt dừa béo ngậy, thạch rau câu, trân châu nhân dừa và sợi dừa nạo. Hương vị chuẩn Hải Phòng chỉ thực sự trọn vẹn khi thưởng thức tài chính mảnh đất này.
Lên lịch trình du lịch Bạch Đằng Giang 1 ngày
Du lịch Bạch Đằng Giang, kết hợp với đền Bà Đế, chùa Hang, Dinh Bảo Đại, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những giây phút tham quan thỏa mãn và dâng hương, làm lễ đầu năm tại những địa điểm tam linh tại vùng đất thiêng Hải Phòng. Hãy cùng chúng tôi tham khảo lịch trình ngay sau đây:
Buổi Sáng: Du khách điểm danh số lượng di chuyển lên xe để khởi hành chuyến du lịch Bạch Đằng giang trong ngày. Trên đường đi, du khách sẽ dừng tại trạm nghỉ để tự do ăn sáng và nghỉ ngơi. Địa điểm du khách tham quan đầu tiên là đền Bà Đế, đây là nơi thờ Bà Đế, người vợ của chúa Trịnh Giang. Tiếp tục hành trình, du khách đến chiêm bái chùa Hang, hay còn có tên chữ là Cốc Tự, đến với chốn linh thiêng này du khách sẽ được lắng nghe những câu chuyện huyền bí và chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo. Ghé thăm vùng đất Đồ Sơn, du khách sẽ tham quan và check in tại Biệt Thự Bảo Đại, với tầm nhìn bao quát biển cả, du khách sẽ thỏa sức ngắm nhìn non nước mênh mông và ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp. Khép lại ba điểm di tích buổi sáng, du khách thưởng thức những món đặc sản Hải Phòng thơm ngon tại nhà hàng địa phương và tự do nghỉ ngơi.
Buổi chiều: Sau khi đoàn khách dùng bữa trưa xong sẽ tiếp tục khám phá, tìm hiểu khu di tích nổi tiếng nhất tại vùng đất cảng đó chính là Bạch Đằng Giang, ghé nơi đây du khách sẽ lần lượt tham quan các kiến trúc tiêu biểu như quảng trường, nhà trưng bày, đền thờ, chùa chiền, nhà trưng bày các tư liệu, hiện vật,… để hiểu rõ hơn về các trận chiến oanh liệt của thế hệ ông cha ta. Kết thúc chuyến hành trình du lịch Bạch Đằng Giang trong ngày, du khách sẽ di chuyển lên xe và xuất phát về điểm đón ban đầu.
Một số lưu ý khi đến du lịch Bạch Đằng Giang 1 ngày
Để giúp chuyển hành trình đến với Bạch Đằng Giang của du khách diễn ra thoải mái và suôn sẻ, dưới đây chúng tôi sẽ bật mí đến du khách những lưu ý bổ ích không thể bỏ qua:
+ Một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng Bậc Nhất tại Hải Phòng, do đó khi đến đây du khách lưu ý mặc trang phục lịch sự, gọn gàng để thể hiện sự chỉnh chu, nghiêm túc.
+ Khu di tích có diện tích khá rộng lớn, do đó theo kinh nghiệm của một số du khách đi trước là nên lựa chọn đi dép quai hậu hoặc giày thể thao để tự tin trong quá trình di chuyển tham quan.
+ Đến di tích du khách sẽ nhìn thấy ở đây có biển hiệu 3 không, tức là không rác thải, không thu vé tham quan, không thương mại. Chính vì thế, du khách cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không chen lấn, xô đẩy, có những cử chỉ văn minh trong chuyến hành hương.
+ Đối với những đoàn khách đi đông thành viên và có nhu cầu mong muốn dâng hương, làm lễ thì trước ngày đi du khách nên đăng ký với ban quản lý để được sắp xếp và đón tiếp chu đáo.
+ Ngoài ra, để chuyến du lịch của du khách thêm phần ấn tượng và hấp dẫn du khách có thể kết hợp thêm một số địa điểm tham quan của các tỉnh lân cận như khu du lịch Yên Tử, chùa Ba Vàng, chùa Cái Bầu, Côn Sơn – Kiếp Bạc, Công Viên Rồng Quảng Ninh,…
Trên đây là trọn bộ những thông tin về “kinh nghiệm du lịch Bạch Đằng Giang 1 ngày”. Hy vọng với những gợi ý về điểm đế sẽ hỗ trợ du khách lên lịch trình vào mùa lễ hội suôn sẻ nhất. Nếu du khách có nhu cầu đặt tour trọn gói Bạch Đằng Giang hoặc bất kỳ điểm du lịch nào trên cả nước, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số điện thoại 0963.851.651 để được tư vấn và hướng dẫn đăng ký tour. Chúc du khách có chuyến hành trình trọn vẹn và mang lại nhiều niềm vui!